Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ

Số:175/2011/TTLT-BQP-BGDĐT
Ngày 13/9/2011


THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 38/2007/NĐ-CP
ngày 15 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ


"....

1. Đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ:
a) Công dân có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ và học viên là hạ sĩ quan, binh sĩ đang học tập tại các trường quân đội, trường ngoài quân đội theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng.
b) Công dân đang học tập tại các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo hình thức giáo dục chính quy tập trung gồm:
- Trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường năng khiếu, dự bị đại học;
          - Trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề; 
- Các đại học, trường cao đẳng, trường đại học;
- Học viện, viện nghiên cứu có nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và tương đương;
- Các trường của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam.
c) Học viên đang học tập trung theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở hoặc cấp trung học phổ thông tại các cơ sở giáo dục.
d) Công dân đi du học tại các trường ở nước ngoài có thời gian đào tạo mười hai tháng trở lên.
2. Công dân nêu tại điểm b, điểm c, điểm d khoản 1 Điều này chỉ được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong một khoá đào tạo tập trung đầu tiên, trường hợp tiếp tục học tập ở các khoá khác thì không được tạm hoãn gọi nhập ngũ.    
- Thời gian một khóa đào tạo tập trung được tính từ ngày nhà trường quy định có mặt nhập học (ghi trong giấy báo nhập học) đến khi tốt nghiệp khoá học.
- Một khoá học chỉ thực hiện ở một trình độ đào tạo, trường hợp đào tạo liên thông phải liên tục không gián đoạn.  
3. Những công dân sau đây không thuộc diện được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình:
a) Theo học các loại hình đào tạo khác ngoài quy định tại khoản 2 Điều này;  
b) Đang học nhưng bị buộc thôi học;
c) Tự bỏ học hoặc ngừng học tập một thời gian liên tục từ sáu tháng trở lên mà không có lý do chính đáng;
d) Hết thời hạn học tập tại trường một khoá học;
đ) Chỉ ghi danh, đóng học phí nhưng thực tế không học tại trường;
4. Hàng năm, những công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ quy định tại khoản 1 Điều này phải được kiểm tra, nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ. Công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ nếu tình nguyện thì có thể được tuyển chọn, gọi nhập ngũ. 
..."
Tải về:
+ 38/2007/NĐ-CP
+ 175/2011/TTLT-BQP-BGDĐT

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Hướng dẫn về kế hoạch dạy học và chế độ chính sách cho GV Tiếng Anh TH năm học 2011-2012


Số: 6159 / BGDĐT – GDTH
Ngày: 16/9/2011


Thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, tiếp theo công văn số 6003/ BGDĐT-GDTH ngày 21/9/2010 hướng dẫn dạy chương trình thí điểm Tiếng Anh tiểu học, quyết định số 4674/ QĐ- BGDĐT ngày 15/10/2010 về việc triển khai dạy thí điểm chương trình Tiếng Anh tiểu học, công văn số 549/ BGDĐT-GDTH ngày 09/2/2011 hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa thí điểm tiếng Anh 3 và bộ thiết bị dạy học, công văn số 5643/ BGDĐT-GDTH ngày 24/8/2011 hướng dẫn dạy học tiếng Anh lớp 3, lớp 4 năm học 2011-2012, công văn số 5893/BGDĐT-CSVCTBTH ngày 06/9/2011 hướng dẫn mua sắm thiết bị dạy học môn ngoại ngữ cấp tiểu học năm học 2011-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn bổ sung về kế hoạch triển khai và chế độ chính sách cho giáo viên dạy Tiếng Anh ở tiểu học năm học 2011-2012 như sau:
1. Kế hoạch triển khai
Các sở giáo dục và đào tạo gửi báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo kế hoạch dạy học, số giáo viên, số lớp, số học sinh tham gia triển khai Tiếng Anh lớp 3 và lớp 4 năm học 2011-2012 trước ngày 07/10/2011 theo mẫu gửi kèm.
2. Chế độ cho giáo viên
2.1 Về đào tạo bồi dưỡng
Giáo viên được tạo điều kiện về thời gian và kinh phí tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng ở Trung ương và địa phương theo yêu cầu của Bộ, của Sở để đạt chuẩn về năng lực ngôn ngữ và năng lực sư phạm, được tham gia các sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cấp phòng, cấp sở để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và nâng cao trình độ.
2.2 Về tài liệu, thiết bị dạy học
Giáo viên dạy lớp 3 và lớp 4 theo chương trình thí điểm và trong kế hoạch của Bộ, của Sở được trang bị sách giáo khoa, sách bài tập, sách giáo viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, xuất bản và các đồ dùng dạy học theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn ngoại ngữ cấp tiểu học ban hành theo Công văn số 5893/BGDĐT-CSVCTBTH ngày 06/9/2011. Các Sở căn cứ vào điều kiện kinh phí, thực trạng, nhu cầu của địa phương và trình độ giáo viên để tổ chức mua sắm và cấp phát tài liệu, thiết bị dạy học phù hợp trên cơ sở tiết kiệm, hiệu quả.
   2.3 Định mức tiết dạy
Giáo viên dạy Tiếng Anh theo chương trình thí điểm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo quyết định số 3321/QĐ-BGDĐT ngày 12/8/2010 được bố trí dạy không quá 18 tiết/tuần để có thời gian học tập, nâng cao trình độ và rút kinh nghiệm, đóng góp ý kiến cho quá trình thí điểm.Trong trường hợp giáo viên dạy quá 18 tiết/tuần, số tiết còn lại được tính thừa giờ theo quy định hiện hành.  
3. Kinh phí
Kinh phí chỉ đạo, tổ chức dạy và học Tiếng Anh theo Đề án dạy và học ngoại ngữ được lấy từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án, từ chương trình mục tiêu giáo dục quốc gia và các nguồn kinh phí khác của các cấp quản lý và của nhà trường.
Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo kịp thời báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Giáo dục Tiểu học) để được xem xét, giải quyết.

Tải về 6159/BGDĐT-GDTH

Quy trình tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết của ngành BHXH

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã ban hành quyết định số 884/QĐ-BHXH, ngày 25 tháng 8 năm 2011, quy định tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và có hiệu lực từ ngày ký.

Quyết định này quy định phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc tiếp nhận và giải quyết; phân cấp tiếp nhận và trả kết quả giải quyết; nhiệm vụ của công chức, viên chức có liên quan; hồ sơ, quy trình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết. Đó là những quy định khung, mang tính chỉ đạo triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính của ngành…, chưa quy định thủ tục hành chính cụ thể, nên trong quy định tổ chức thực hiện, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam giao trách nhiệm cho Giám đốc BHXH tỉnh “Trên cơ sở quy định này và các quy định của pháp luật, xây dựng quy định tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết phù hợp với tình hình thực tiển của địa phương”.

Từ những quy định trên, các phòng nghiệp vụ BHXH tỉnh phải phối hợp để xây dựng quy định về thủ tục hồ sơ, quy trình chuyển giao, thời gian giải quyết và kết quả trả hồ sơ cho từng loại hồ sơ cụ thể theo phân cấp về nghiệp vụ giải quyết từng loại thủ tục ở BHXH cấp huyện, BHXH cấp tỉnh, do vậy phải có thời gian cần thiết để xây dựng quy trình tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết của BHXH tỉnh.

Như vậy sau hai năm từ ngày công bố bộ thủ tục hành chính của ngành BHXH, đến nay Tổng giám đốc BHXH Việt Nam đã có quy định khung, mamg tính nguyên tắc để BHXH các tỉnh làm căn cứ xây dựng thủ tục hồ sơ cụ thể của từng loại nghiệp vụ về BHXH, BHYT mamg tính thống nhất cao trong toàn hệ thống./.

Nguồn bhxhgl.org.vn


Tải về: 884/QĐ-BHXH

Bài đăng phổ biến