Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Ngày quốc tế xóa mù chữ (8/9/2011)

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1966, Ngày Quốc tế Xóa mù chữ đã được UNESCO công bố để nhắc nhở cộng đồng quốc tế về tình hình biết đọc biết viết và học tập của người lớn trên khắp thế giới. Hoạt động kỷ niệm ngày quốc tế này của năm nay ghi nhận mối liên hệ giữa việc xóa mù chữ và hòa bình. Nhân dịp này, Tổng Giám đốc UNESCO, Bà Irina Bokova, tuyên bố rằng “Biết đọc biết viết là một điều kiện tiên quyết cho hòa bình bởi lẽ nó mang lại những ích lợi gấp bội, xuyên suốt toàn bộ các lĩnh vực của con người, văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế.”

Trên toàn thế giới vào năm 2009, 793 triệu người lớn không biết đọc hoặc biết viết, khoảng hai phần ba trong số họ là phụ nữ. Điều này phản ánh một tỉ lệ biết đọc biết viết của người thành niên trên toàn cầu là 83%. Trong thông điệp của mình, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon nêu bật những thiệt hại to lớn của tình trạng mù chữ, đồng thời nhấn mạnh rằng việc cam kết đảm bảo tất cả mọi người đều biết đọc và biết viết “sẽ đề cao phẩm giá vốn có của mọi cá nhân và thúc đẩy mục tiêu hòa bình toàn cầu.”

Ở Việt Nam, kỷ niệm ngày này là một dịp tốt để tôn vinh những tiến bộ đầy ấn tượng mà quốc gia này đã đạt được trong việc tăng cường công tác xóa mù chữ và hướng tới việc đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ về Giáo dục cho mọi người vào năm 2015. Hiện nay, 96% trẻ em ở Việt Nam được nhận vào trường tiểu học, điều đó đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình hình biết đọc biết viết tại quốc gia này. Các tổ chức Liên hiệp quốc ở Việt Nam đang cố gắng vươn tới số 4% trẻ em còn chưa tới trường nhằm đạt được sự phổ cập tiếp cận giáo dục thực sự cho mọi người Việt Nam.

Ngày Quốc tế Xóa mù chữ diễn ra đồng thời với kỷ niệm Ngày Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh về Bình dân học vụ của đất nước, được phát động vào đúng ngày này năm 1945. Vào đầu tháng Mười năm 2011, lần đầu tiên ở Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, phối hợp với Trung ương Hội Khuyến học, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, UNESCO Việt Nam, các đoàn thể, và các tổ chức quốc tế, sẽ tổ chức Tuần lễ hưởng ứng Học tập suốt đời. Những hoạt động kỷ niệm sẽ thúc đẩy hơn nữa việc học tập xuyên suốt mọi giai đoạn của cuộc đời, nhờ đó biết đọc biết viết tạo thành nền tảng và là một công cụ đầy quyền lực để xây dựng xã hội học tập.

Ngày mùng 8 tháng Chín năm nay cũng là dịp kỷ niệm lần thứ 45 ngày thành lập Trung tâm nghiên cứu Xóa mù chữ và Giáo dục thường xuyên, cơ quan nằm dưới sự quản lý của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Trung tâm là một điển hình về nỗ lực cải tiến công tác xóa mù chữ và đã được UNESCO trao tặng phần Thưởng danh dự vào năm 1997 do những đóng góp của mình.

Nhìn về phía trước, Chính phủ Việt Nam tuyên bố rằng những ưu tiên của Chính phủ bao gồm cả việc cung cấp và nâng cao các chương trình xóa mù chữ. Các nỗ lực sẽ tập trung đặc biệt vào người học mười lăm tuổi trở lên, phụ nữ và các dân tộc thiểu số ở miền núi và các vùng khó khăn. Điều này sẽ đóng góp cho một xã hội có tính hòa nhập cao hơn ở Việt Nam và góp phần tăng cường hòa bình xuyên biên giới.

Để có thông tin thêm, xin liên hệ với:

 

Bà Phạm Thị Ngọc Hải
Vụ Giáo dục Thường xuyên,
Bộ Giáo dục và Đào tạo
pnhai@yahoo.com, +84 4 38683724
 
Bà Sun Lei
Điều phối viên cChương trình Giáo dục
UNESCO Việt Nam
l.sun@unesco.org, +84 4 37470275/ số lẻ 21
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến