Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Dành những gì tốt nhất cho giáo dục

Trong hai ngày 16 - 17/7, tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 33/2006/CT - TTg về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp. Hội nghị cũng tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; tổng kết năm học 2010 - 2011, triển khai nhiệm vụ năm học 2011 - 2012.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị.
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thảo luận của các đại biểu tại Hội nghị đều khẳng định, cuộc vận động “Hai không” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với đổi mới công tác quản lý giáo dục là những giải pháp tích cực của ngành giáo dục được đề ra đúng thời điểm, đã nhận được sự đồng thuận và quan tâm của toàn dân, của các cấp, các ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Toàn ngành giáo dục, từ cán bộ quản lý đến các thầy cô giáo và học sinh đã hưởng ứng và triển khai tích cực; đến nay đã đạt được những kết quả về nhiều mặt, tạo ra những động lực mới trong dạy và học, nâng cao hơn chất lượng giáo dục toàn diện. Trật tự, kỷ cương trong thi cử, hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra được tăng cường, những tiêu cực trong dạy và học đã cơ bản được ngăn chặn. Kết quả các kỳ thi đã thực chất hơn.
Cũng trong 3 năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã tạo nhận thức rõ rệt về cách làm giáo dục ở các địa phương, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội đối với hoạt động giáo dục, xã hội hóa giáo dục chuyển biến tích cực. Nổi bật là ở hầu hết các trường khung cảnh sư phạm ngày càng khang trang, văn minh, nền nếp, tỷ lệ giáo viên dạy giỏi ngày càng tăng, 98,6% số trường đã xây dựng Qui tắc văn hóa ứng xử...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương sự nỗ lực và những thành tích đã đạt được từ các cuộc vận động và phong trào thi đua của toàn ngành giáo dục trong những năm qua; biểu dương đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, các thầy cô giáo và các em học sinh đã tích cực thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các cuộc vận động và các phong trào thi đua của ngành; đồng thời đánh giá cao sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương trong lĩnh vực công tác rất quan trọng này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của ngành cần khắc phục trong thời gian tới, đó là nhận thức và ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên về yêu cầu thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, thực hiện các cuộc vận động và các phong trào thi đua của ngành còn hạn chế. Việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới nội dung và phương pháp dạy học còn nhiều bất cập, nhất là ở vùng có điều kiện khó khăn... Bệnh tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục vẫn chưa được khắc phục triệt để. Tình trạng trường học chưa thân thiện, học sinh chưa tích cực vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi.
Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng XI, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành giáo dục phải tập trung sức phát huy những kết quả đạt được, gắn việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục với đẩy mạnh thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", đẩy mạnh phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Coi đây là hoạt động thường xuyên trong mỗi nhà trường, mỗi cơ sở giáo dục, thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ trong năm học tới và các năm tiếp theo.
Trước mắt, Thủ tướng chỉ đạo ngành giáo dục cần khẩn trương xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XI trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; hoàn chỉnh việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng để phát triển nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; đưa nền giáo dục nước ta tiến kịp nền giáo dục tiên tiến trên thế giới; góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam và thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Đồng thời, tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục... đổi mới cơ chế tài chính, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và khuyến khích các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện để người dân được học tập suốt đời.
Thủ tướng cũng đề nghị ngành tiếp tục chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả về số lượng và chất lượng gắn với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Cần làm tốt công tác quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực của ngành Giáo dục và tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, triển khai có kết quả Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi...
Tuy nhiên bên cạnh các thành tựu to lớn về giáo dục đào tạo, Thủ tướng đề nghị phải quan tâm tới chất lượng giáo dục. Nhiệm vụ đặt ra đối với công tác giáo dục đào tạo nước ta còn rất nặng nề, để phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Trước hết Thủ tướng lưu ý phải quán triệt sâu rộng, nâng cao nhận thức để đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội và từng người dân thấy được ý nghĩa và vai trò to lớn của công tác giáo dục đào tạo. Đại hội Đảng XI đã chỉ rõ: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới cơ bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục là một trong 3 khâu đột phá của đất nước giai đoạn tới. Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm “dành những gì tốt nhất cho giáo dục”, để “giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu”.
(Theo nguồn Thông tấn xã Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến